Phố Cổ Hội An
/ lúc / 0 bình luận
Muốn xem nhiều bài viết hay hãy vào ngay Blog Tuổi Trẻ IT để xem nhiều bài viết hơn nhé!


I. Sơ lược về phố cổ Hội An   

Biểu tượng của Phố cổ Hội AnPhố cổ Hội An là một cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt nam, hiếm có trên thế giới, một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn từ khắp nơi trên thế giới trong suốt thế kỷ 17 và 18. Đến thế kỷ 19, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho cảng Đà Nẵng khi đó đang được Pháp xây dựng.



    Ảnh phố cổ Hội An ngày xưa
    Phố cổ Hội An xưa...
    Hội An may mắn không bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20, nhờ đó nơi đây giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây. Trải qua nhiều thế kỷ, những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ. Ngoài ra Hội An còn có một môi trường thiên nhiên trong lành, êm ả với những làng nhỏ ngoại ô xinh xắn, có nghề thủ công như mộc, làm đồ đồng, gốm…
    Ảnh phố cổ Hội An ngày nay
    và nay
    Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách Việt Nam và quốc tế.

    Với những giá trị nổi bật, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới vào năm 1999 dựa trên hai tiêu chí:
    • Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế.
    • Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.

      II. Những điểm tham quan hấp dẫn
      1. Chùa Cầu (còn gọi là cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều - Nối đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú)một nét kiến trúc thanh tú của người Nhật đã tạo thêm vẻ duyên dáng cho Hội an. Như một số chùa xưa còn tồn tại ở nhiều vùng nông thôn Nhật Bản, chùa Cầu có mái che uốn cong mềm mại, mặt cầu cong vồng lên quãng giữa. Ngoài những phần chạm trổ tinh vi, hai đầu cầu còn có bốn tượng thú đứng hầu, trong chùa là tượng Bắc đế cưỡi con câu long. Không chỉ ghi dấu ấn của người Nhật ở Hội An, chùa Cầu còn được chọn làm biểu tượng cho đô thị cổ này.
      Chùa cầu - biểu tượng của Hội An
      Chùa Cầu - biểu tượng của phổ cổ Hội An
      2. Các hội quán của người Hoa. Khi nhà Thanh thay thế nhà Minh, nhiều người Hoa phải bỏ xứ ra đi, họ tỏa về Đông Nam Á và Hội An là một điểm dừng. Những ngôi chùa và hội quán theo kiến trúc Hoa được dựng lên ở đây để họ đỡ nhớ quê và để tạ ơn một chuyến đi được thuận buồm xuôi gió. Tiêu biểu trong số các hội quán có: 
      • Hội quán Phúc Kiến (46 đường Trần Phú) với cây cảnh ngát xanh và những tầng kiến trúc uy nghi, là một trong những nơi được sự chiếu cố đặc biệt của khách vãng lai lẫn người địa phương. Được dựng lên từ thế kỷ 17, trùng tu vào cuối thế kỷ 18, đặc biệt, chùa còn thờ bà chúa Thai Sanh là bà tổ của những bà mụ đỡ đẻ trong dân gian. 
        Hội quán Phúc Kiến Hội An
        Mặt tiền Hội quán Phúc Kiến
      • Hội quán Quảng Đông (còn được gọi là chùa Ông - 176 đường Trần Phú) thờ Quan Công (Quan Vũ). 
      • Hội Quán Trung Hoa (còn gọi là Hội quán Ngũ Bang - 64 đường Trần Phú) thờ bà Thiên Hậu. 
      • Hội quán Hải Nam (10 đường Trần Phú) thờ 108 Hoa kiều chết oan dưới thời vua Tự Đức. 
      • Hội quán Triều Châu (hay còn gọi là chùa ông Bổn - 157 đường Nguyễn Duy Hiệu), hội quán nhỏ, xây dựng tỉ mỉ, khởi công năm 1845 với vật liệu đưa từ Trung Quốc sang, là miếu thờ Phục Ba tướng quân.


      3. Các nhà cổ. Những ngôi nhà cổ Hội An là sự đan quyện tài tình, sự hội nhập hài hòa các phong cách kiến trúc Việt - Hoa - Nhật - Pháp. Bàn tay tài hoa của các lớp thế hệ nghệ nhân đã dày công tạo dựng, pha trộn những kiến thức trang trí nội thất bằng cách sắp xếp hợp lý các cấu kiện kiến trúc, bố cục không gian và bằng cách thể hiện sinh động của các mô típ hoa văn. 
      • Nhà cổ Quân Thắng (77 đường Trần Phú) Là một trong những nhà cổ được đánh giá đẹp nhất Hội An hiện nay. Ngôi nhà có niên đại hơn 150 năm, mang phong cách kiến trúc vùng Hoa Hạ Trung Hoa. Qua năm tháng, ngôi nhà vẫn được bảo tồn khá nguyên trạng về kiểu dáng kiến trúc và các bài trí nội thất, giúp ta hình dung được phần nào lối sống của các thế hệ chủ nhân, những người thuộc tầng lớp thương gia ở thương cảng Hội An trước đây.
      Nhà cổ Quân Thắng
      Nhà cổ Quân Thắng
      • Nhà cổ Tấn ký (10 đường Nguyễn Thái Học) Ðược xây dựng cách đây gần 200 năm, nhà Tấn Ký có kiểu kiến trúc đặc trưng của nhà phố Hội An với nội thất chia làm nhiều gian, mỗi gian có chức năng riêng. Mặt tiền nhà là nơi để mở cửa hiệu buôn bán, mặt sau thông với bến sông để làm nơi xuất nhập hàng hóa. 
      Nhà Cổ Tấn Ký
      Nhà cổ Tấn Ký
      • Nhà cổ Phùng Hưng (04 đường Nguyễn Thị Minh Khai) với tuổi thọ hơn 100 năm, nhà Phùng Hưng có kết cấu độc đáo với phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng bao quanh, thể hiện sự phát triển về kiến trúc và sự giao lưu giữa các phong cách kiến trúc Á Đông tại Hội An trong các thế kỷ trước đây.
        Nhà cổ phùng hưng
        Nhà cổ Phùng Hưng

      4. Các nhà thờ tộc là nơi dành cho tất cả các thành viên trong gia tộc tụ họp, thờ cúng tổ tiên. Những ngôi nhà phản ánh rõ phong cách sống của các tầng lớp quí tộc Việt Nam và cho ta thấy những giá trị truyền thống còn hiện diện rất rõ. Tiêu biểu cho các nhà thờ tộc có:
      • Nhà thờ tộc Trần (21 đường Lê Lợi) do một vị quan họ Trần (một dòng họ lớn từ Trung Hoa di cư đến Hội An vào những năm 1700) xây dựng năm 1802 theo những nguyên tắc phong thuỷ truyền thống của người Trung Hoa và người Việt. Tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 1500 m2, nhà thờ cổ tộc Trần ở Hội An là nhà thờ cổ mang phong cách nhà thờ tộc của người Việt từ ngàn xưa còn nguyên vẹn hình thể kiến trúc cổ.
      Nhà thờ tộc Trần
      Nhà thờ tộc Trần
      • Nhà thờ tộc Trương (69/1 Phan Châu Trinh) do một hậu duệ của dòng họ Trương (di cư từ Trung Quốc sang từ giữa thế kỷ 18) xây dựng vào năm 1840. Nhà thờ bao gồm các phần nhà ở sinh hoạt, nhà thờ tộc và cổng. Khu nhà phục vụ cho mục đích sinh hoạt được che bởi các bức vách bằng tre. Di tích này đã được bảo tồn rất tốt và được tu bổ vào năm 2002. Nhà thờ tộc Trương đã vinh dự UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương tặng Giải thưởng Công trạng (Award of Merit) vào năm 2004.

        5. Quan âm phật tự Minh Hương (07 đường Nguyễn Huệ) là ngôi chùa thờ Phật duy nhất còn lại giữa khu phố cổ, có kiến trúc và cảnh quan xinh đẹp đồng thời còn lưu giữ gần như nguyên vẹn các tác phẩm điêu khắc gỗ đặc sắc do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng thực hiện. Chùa thờ Phật Quan Thế Âm Bồ Tát và một số chư vị Phật, Bồ Tát khác, vì vậy trong những ngày lễ, ngày rằm thường có rất nhiều người đến cúng bái.
        Quan âm phật tự Minh Hương
        Chánh điện quan âm phật tự Minh Hương


        6. Các bảo tàng:
        • Bảo tàng Lịch sử – Văn hóa (13 đường Nguyễn Huệ) được thành lập vào năm 1989, trưng bày hơn 200 hiện vật gốc và tư liệu có giá trị bằng gốm, sứ, đồng, sắt, giấy, gỗ…phản ánh các giai đoạn phát triển của đô thị - thương cảng Hội An từ thời kỳ văn hoá Sa Huỳnh đến thời kỳ văn hoá Chăm và văn hoá Đại Việt, Đại Nam. Đến thăm Bảo tàng Lịch sử – Văn hoá Hội An, du khách sẽ có được cái nhìn tổng quát về tiến trình lịch sử cũng như bề dày văn hoá của đô thị cổ.
          Bảo tàng lịch sử - văn hóa
          Một góc trưng bày bảo tàng lịch sử - văn hóa Hội An
        • Bảo tàng gốm sứ Mậu Dịch (80 đường Trần Phú) được xây dựng vào năm 1995, lưu giữ trên 400 hiện vật gốm sứ có niên đại từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 18. Các hiện vật là gốm sứ mậu dịch có nguồn gốc từ khắp các nền văn hóa trên thế giới… minh chứng cho vai trò quan trọng của thương cảng Hội An trong mạng lưới mậu dịch gốm sứ trên biển vào các thế kỷ trước, đồng thời cũng cho thấy quan hệ giao lưu văn hoá- kinh tế quốc tế đã từng diễn ra rất mạnh mẽ ở Hội An.
        Bảo tàng gốm sứ mậu dịch
        Một vài hiện vật tại bảo tàng gốm sứ Mậu Dịch
        • Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh (149 đường Trần Phú) trưng bày 216 hiện vật văn hoá Sa Huỳnh có niên đại trên dưới 2000 năm được phát hiện qua các đợt khảo sát, khai quật khảo cổ học. Qua đó cung cấp những thông tin phong phú về cư dân cổ thuộc hệ văn hoá Sa Huỳnh – chủ nhân cảng thị Hội An sơ khai từng có quan hệ giao lưu Trung Hoa, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á. Các hiện vật tại bảo tàng được đánh giá là bộ sưu tập độc đáo nhất Việt Nam hiện nay về văn hoá Sa Huỳnh.
        Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh
        Một góc trưng bày tại bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh

          7. Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An (09 Nguyễn Thái Học) là nơi quy tụ hầu hết các ngành nghề thủ công truyền thống của Hội An và Quảng Nam như dệt chiếu, dệt vải, gốm, sơn mài… Vào thăm xưởng, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo và đặc sắc. Du khách có thể tham gia một vài khâu trong quá trình sản xuất của các nghề và mua một vài sản phẩm về làm kỷ niệm.
          Xưởng thủ công mỹ nghệ hội an
          Một góc xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An
          III. Các đặc sản Hội An

          1. Mì cao lầu là món ăn đặc sản của thành phố Hội An. Món mỳ này có sợi mỳ màu vàng, được dùng với tôm, thịt heo, các loại rau sống và rất ít nước dùng. Sợi mỳ cao lầu được chế biến rất công phu, sử dụng những nguyên liệu chỉ có ở Hội An đó là tro củi lấy ở tận Cù Lao Chàm, đảo cách Hội An 16 km, và nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm đào cách đây cả ngàn năm.
          Mỳ Cao Lầu đặc sản Hội An
          Cao Lầu - đặc sản Phố Hội
          2. Mì Quảng Cũng gần giống như Cao lầu, là món ngon nổi tiếng của vùng đất Quảng Nam và rất hay bị nhầm với Cao lầu nhưng chỉ cần nếm thử một lần thôi, bạn sẽ thấy đây là hai món ăn khác biệt hoàn toàn. Mỳ Quảng thường được ăn cùng với tôm, thịt, trứng cút… tất cả đều ngấm gia vị thấm thía. Khi ăn cũng không thể thiếu bánh tráng nướng giòn và các loại rau ăn kèm.
          Mì Quảng
          Mì Quảng - Món ngon nổi tiếng của vùng đất Quảng Nam
          3. Bánh tráng đập một món ngon nổi tiếng của Hội An. Hai lớp bánh tráng nướng rất mỏng mỏng, giòn tan kẹp lấy một lớp bánh ướt. Để thưởng thức, bạn phải dùng tay đập cho lớp bánh tráng nướng vụn ra, dính quyện vào lớp bánh ướt. Khi ăn bánh tráng đập, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của bánh tráng, đậm đà của mắm nhĩ, cay nồng của ớt và một chút thơm hơi béo của tỏi. 
          Bánh tráng đập
          Bánh tráng đập ăn cùng hến trộn
          4. Cơm gà phố Hội là món ăn mà bạn không nên bỏ qua khi đến đô thị cổ này. Gạo để nấu cơm gà là loại gạo ngon, thơm và dẻo, được lựa chọn kỹ lưỡng, ướp gia vị rồi nấu với nước luộc gà và lá dứa bằng lò củi. Gà được dùng là loại gà ta còn tơ, thịt mềm mà không bở, chắc mà không dai, da mỏng thịt thơm. Sau khi luộc, thịt gà được xé nhỏ ra rồi bóp với hành tây, hành phi, muối tiêu và rau răm. Cơm gà Hội An thường được ăn với hành tây, đu đủ chua, rau thơm Trà Quế, nước tương và tương ớt. Ngoài ra, còn có một chén súp trộn tim, gan, cật gà ăn kèm.
          Cơm gà phố hội - món ăn bạn không nên bỏ qua khi đến Hội An
          5. Bánh bao - bánh vạc là hai loại bánh có nguyên liệu, cách làm gần giống nhau và thường được ăn cùng trên một đĩa bánh. Nguyên liệu chính để chế biến hai loại bánh này là gạo, loại gạo thật trắng, nguyên hạt, dẻo, thơm. Nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với một ít tiêu, tỏi, hành, sả cùng những gia vị bí truyền. Nhân bánh bao được làm từ thịt heo, nấm mèo, hành lá thái mỏng rồi cũng xào cùng gia vị bí truyền đó. Có lẽ phần gia vị này cũng là một nguyên nhân khiến bánh bao – bánh vạc chỉ có thể ăn ngon ở Hội An.
          Bánh bao - bánh vạc
          6. Chè bắp – một món ăn dân dã trở nên rất nổi tiếng ở Hội An bởi nó được chế biến từ bắp Cẩm Nam ngon có tiếng của xứ Hội. Chè có vị ngọt, thơm thanh tao và tự nhiên của bắp mới bẻ. 
          Chè Bắp
          Chè bắp - món ăn dân dã nổi tiếng ở Hội An
          7. Bánh bèo Hội An. Bánh có màu trắng đẹp mắt, được chiên từ cao lầu (món ăn đã nói ở trên) nên có độ dẻo vừa phải, ăn rất ngon. Nhân bánh được nấu ướt từ tôm tươi, thêm chút ớt, màu sắc rất bắt mắt. Ngoài ra còn có hành tây phi dầu vàng vừa đủ, không quá cháy, ăn kèm bánh rất thơm.
          Bánh Bèo Hội An
          Bánh Bèo Hội An
          8. Hoành thánh. Người Hội An đã đưa món này thành món ăn đặc trưng của xứ mình, vỏ hoành thánh rán giòn với xốt chua cay, miếng hoành thánh giòn rụm vừa giống miếng pizza lại vừa giống viên hoành thánh. Một sự kết hợp hoàn hảo giữa Đông và Tây. 
          Hoành thánh - món ăn đặc trưng phố Hội
          Hoành thánh - món ăn đặc trưng của phố Hội
          9. Bánh tráng ướt. Cũng gần giống với bánh cuốn nhưng thay vì là bánh tráng mỏng kèm với nhân mọc nhĩ thì ở Hội An, bánh tráng còn có thêm tôm chấy. Khi ăn, bánh được rưới thêm mỡ hành rất thơm và ăn kèm chả lụa (giò lụa).
          Bánh tráng ướt
          Bánh tráng ướt
          10. Bánh xèo Hội An là đặc sản chính hiệu của vùng đất phố Hội. Sự cuốn hút của món ăn này là nhờ vào vị giòn tan của bột gạo, vị béo bùi của nước cốt dừa, mùi thơm của bột nghệ hòa lẫn các loại rau thơm, bên cạnh đó chất đạm thường được sử dụng là thịt bò, tôm, mực. Bánh phải ăn nóng, tức làm đến đâu ăn đến đấy và khi ăn không dùng đũa, thìa mà chỉ dùng tay.
          Bánh xeo Hội An
          Bánh xèo Hội An - Đặc sản chính hiệu của phố Hội

          IV. Kinh nghiệm du lịch Phố cổ Hội An

          1. Bạn nên đến Hội An vào ngày 14 âm lịch hàng tháng. Vào ngày này, chính quyền Hội An tổ chức Lễ hội đêm rằm phố cổ (tổ chức lần đầu năm 1998). Trong dịp lễ hội, thời gian từ 17 đến 22 giờ, tất cả các ngôi nhà, hàng quán, tiệm ăn đều tắt điện, toàn bộ khu phố chìm trong ánh sáng của trăng rằm và những ngọn đèn lồng. Trên các con phố, những phương tiện giao thông tạm thời bị cấm, chỉ dành cho người đi bộ. Tại các điểm di tích, nhiều hoạt động ca nhạc, trò chơi dân gian, thi đấu cờ tướng, đánh bài chòi, thả hoa đăng... được tổ chức. Bạn sẽ được đắm mình vào không gian đô thị của thế kỷ trước, chắc chắn sẽ là một trải nghiệm khó quên.

          Đêm rằm phố cổ
          Nhà nhà treo đèn lồng trong đêm rằm phố cổ

          2. Bạn không nên đến Hội An trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 12. Vì thời gian này Hội an đang trong mùa mưa, ảnh hưởng rất lớn đến chuyến du lịch của bạn.

          3. Bạn nên tận hưởng buổi sớm bình yên ở Hội An. Thành phố nhỏ xinh này rất đông khách và nóng nực vào ban ngày nên bạn chỉ có thể tìm thấy không gian tĩnh lặng, không khí mát mẻ, trong lành nơi đây vào buổi sáng sớm. 

          Sáng sớm ở Phố cổ Hội An
          Buổi sớm bình yên ở phố cổ Hội An

          4. Phố cổ Hội An rất đẹp về đêm. Bạn có thể đi dạo quanh những ngõ ngách thanh tịnh của khu phố. Đi giữa Hội An trong đêm đèn lồng mới thưởng lãm hết vẻ đẹp của phố cổ. Những mái nhà rêu phong, những con đường uốn lượn huyền ảo dưới ánh trăng...
          Đêm Hội An
          Hội An quyến rũ về đêm

          5.  Bạn có thể kết hợp tham quan biển Cửa Đại và đảo Cù Lao Chàm. 
          • Biển Cửa Đại nằm cách đô thị cổ Hội An 5km về hướng Đông. Đây là bãi tắm lý tưởng, có bãi cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhỏ và luôn chan hòa ánh nắng.
          Biển Cửa Đại
          • Đảo Cù Lao Chàm là một địa điểm du lịch hấp dẫn có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, phong cảnh hữu tình, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Cù Lao Chàm còn là thiên đường của thú vui lặn biển, bởi đây là nơi có nhiều rạn san hô tập trung thành một “bảo tàng sống” tuyệt đẹp thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới.
          Đảo Cù Lao Chàm
          Một góc đảo Cù Lao Chàm
          Biển Cù Lao Chàm
          Rạn san hô biển Cù Lao Chàm
          Lặn Biển Cù Lao Chàm
          Các du khách lặn biển Cù Lao Chàm

            6. Cuối cùng, về hành trang. Bạn nên mang theo mũ nón, ô, kem chống nắng và nên có một chai nước luôn bên mình vì thời tiết nắng nóng. Bạn cũng đừng quên mang theo thuốc đau bụng phòng 

            THAM GIA TRANH TOP BÌNH LUẬN NGAY!

            Một số lưu ý khi bình luận

            Mọi bình luận sai nội quy sẽ bị xóa mà không cần báo trước.

            Bấm Thông báo cho tôi bên dưới khung bình luận để nhận thông báo khi admin trả lời.